Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

Năm bài học rút ra từ vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông

Việc khởi kiện Trung Quốc là thời khắc lịch sử trong quan hệ đối ngoại của Philippines: Bởi đây là lần đầu tiên Philippines tìm đến luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp chính trị.


Đổi lại, nỗ lực này đã nhận được “sự đền đáp”, ít nhất là từ góc độ quan điểm pháp lý. Vào ngày 12/7/2016, hơn 3 năm sau khi khởi kiện vào ngày 22/1/2013, Manila đã đạt được phán quyết có lợi vốn làm rõ các khía cạnh quan trọng của tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã gác “giải thưởng pháp lý” này vào xó tủ.
Giới chỉ trích nói rằng Tổng thống Duterte đã không tận dụng phán quyết này, song họ đã không nhìn nhận được những hạn chế tồn tại trong chính cách tiếp cận pháp lý này. Biện pháp pháp lý này đã chỉ rõ việc chuyển các tranh chấp lên một tòa án quốc tế để đưa ra một phán quyết có tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế. Nếu Philippines cân nhắc sử dụng phán quyết này một lần nữa để giải quyết tranh chấp, thì các nhà hoạch định chính sách ngoại giao cần hiểu rõ về khả năng được tuân thủ cũng như những hạn chế của phán quyết này.

Phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông có thể đem lại một số sự hiểu biết đáng giá về tính chất phức tạp của biện pháp pháp lý để xử lý tranh chấp. Rút kinh nghiệm từ Philippines, các nước có thể cân nhắc 5 vấn đề khi tính đến con đường pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Thứ nhất, biện pháp pháp lý chỉ có tính khả thi nếu tuyên bố chủ quyền có cơ sở pháp lý chặt chẽ và nếu vụ kiện có thể được đưa lên một tòa án có quyền hạn xét xử. Trong trường hợp của Philippines, khi khởi kiện, Manila tin rằng tuyên bố chủ quyền của họ sẽ trụ vững trước tòa, nhất là trước quan điểm của Trung Quốc. Ví dụ, các tài liệu trong hồ sơ vụ kiện của Philippines có cơ sở vững chắc trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), không giống như tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.

Ngoài ra, các nước có thể xem xét đưa tranh chấp lên hai loại tòa án: Tòa thường trực và tòa trọng tài. Trích dẫn nhận định của một học giả, bài viết cho rằng chi phí trả cho tòa thường trực ít tốn kém hơn và nhìn chung thường có uy tín hơn, khiến các phán quyết mà tòa này đưa ra có thẩm quyền cao hơn. Vì vậy, sự lựa chọn loại tòa án cần mang tính chiến lược. Trường hợp của Philippines, Manila đã lựa chọn tòa trọng tài chứ không phải tòa thường trực. Lý do là trước đó, cả Trung Quốc và Philippines đều không chấp thuận đưa vụ kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển. Mặc dù Philippines lúc đó có thể đàm phán một thỏa thuận đặc biệt với Trung Quốc để cùng trao quyền hạn xét xử vụ kiện cho một trong hai loại tòa án thường trực nói trên, song Manila hiểu rõ rằng Bắc Kinh sẽ khước từ một thỏa thuận như vậy, đồng thời hiểu rõ rằng cơ chế trọng tài phân xử theo Phụ lục VII của UNCLOS cho phép tiến hành vụ kiện ngay cả khi Trung Quốc sẽ từ chối tham gia. Thế nên, Manila đã chọn một tòa trọng tài để khởi kiện.

Thứ hai, biện pháp pháp lý không loại trừ các biện pháp khác để xử lý tranh chấp một cách hòa bình, và trên thực tế, có thể kết hợp với các biện pháp khác, như thương lượng, tham vấn, trung gian hòa giải, và tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan quốc tế và khu vực. Mặc dù Hiến chương Liên hợp quốc nói rằng biện pháp pháp lý là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp nhưng trên thực tế, Philippines đã kết hợp đồng thời 2 biện pháp khác: biện pháp chính trị thông qua sự can dự đa phương của ASEAN và biện pháp ngoại giao tức là tiếp tục thảo luận song phương với Trung Quốc về các vấn đề khác.
Thứ ba, nếu các nước quyết tâm theo đuổi con đường pháp lý thì họ cần đồng thời tìm cách ngăn chặn xung đột và tìm ra các chiến lược quản lý xung đột. Bởi thực tế là ngay cả khi con đường pháp lý mang tính hòa bình và phụ thuộc vào sự chấp thuận của cả hai bên, song bên bị kiện vẫn coi hành động này là mang tính thù địch, do đó có nguy cơ hủy hoại quan hệ song phương. Đơn cử là Philippines đã hứng chịu việc Trung Quốc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông sản từ Philippines.

Thứ tư, biện pháp pháp lý rốt cục phải phụ thuộc vào việc chính các bên thực thi phán quyết, nếu chỉ dừng lại ở việc đạt được một phán quyết nghiêng về một bên, thì chưa thể coi là biện pháp pháp lý này đã kết thúc. Việc Trung Quốc bác bỏ thực thi phán quyết đã chứng minh điều này vì nó cho thấy không có quyền lực nào cao hơn để có thể buộc các nước tuân thủ các phán quyết quốc tế. Thông thường, khi một bên không sẵn sàng thực thi phán quyết, thì bên còn lại sẽ phải tìm các cách để buộc phải tuân thủ. Chính quyền Philippines ban đầu đã nỗ lực kêu gọi quốc tế gia tăng sức ép trước việc Trung Quốc không tuân thủ, song đến thời Duterte, Manila đã quyết định gạt phán quyết sang một bên để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, hy vọng rằng điều này cuối cùng sẽ giúp định hình môi trường khu vực thuận lợi hơn cho việc tuân thủ. Các nước khác có thể đối mặt với vấn đề tương tự như tình huống này vì ngay cả khi một bên đồng ý đưa tranh chấp lên tòa quốc tế hoặc tòa trọng tài giải quyết thì sự chấp thuận này không phải là một tấm thẻ căn cước để đảm bảo rằng bên đồng ý đó rốt cục sẽ tuân thủ phán quyết.

Thứ năm, biện pháp pháp lý không thể đảm bảo tranh chấp được giải quyết. Bản thân phán quyết của tòa trọng tài là một bước đi quan trọng tiến tới giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, song phán quyết này lại luôn được đặt trong mối quan hệ với các thực tế chính trị. Mặc dù phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines mang tính toàn diện khi làm rõ các vấn đề trong vụ kiện, nhưng các tranh chấp sẽ không thể được giải quyết khi vẫn tiếp tục thiếu vắng ý chí chính trị và cam kết của các bên.

Với 5 lưu ý trên, rõ ràng bài học rút ra từ vụ kiện Trung Quốc của Philippines là biện pháp pháp lý vốn tự thân có hạn chế và tính hiệu quả của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Sự lựa chọn loại hình tòa án, cách triển khai đồng thời các biện pháp quản lý và ngăn chặn xung đột, và một chiến lược hậu phán quyết để đảm bảo sự tuân thủ là những yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả việc soạn thảo được các tuyên bố chủ quyền có cơ sở pháp lý chặt chẽ.

Tác giả Adcel John A.Ibarra là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ quốc tế và chiến lược. Bài viết đăng trên “Foreign Service Institute.

Viết Tuấn (gt)

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6927-nm-bai-hc-rut-ra-t-v-philippines-kin-trung-quc-v-bin-ong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét